Các ghi chú về giấy, phòng tranh Quỳnh, TP Hồ Chí Minh, Việt Nam

Tập tin đính kèm
Các ghi chú về giấy .pdf


Là một chất liệu quen thuộc trong đời sống cũng như trong nghệ thuật, giấy vẫn luôn truyền cảm hứng cho các nghệ sĩ bởi tính phổ quát, sự linh hoạt và sức nặng lịch sử-xã hội mà nó ôm mang — giấy đi đôi với sự lan tỏa và lưu trữ kiến thức. Là nơi ý tưởng trú ngụ, giấy cũng là một phương tiện biến chuyển cùng với ý tưởng nhờ vào sự đa dạng trong kích thước, kết cấu, độ dày tạo điều kiện để nghệ sĩ xử lý bề mặt và cấu trúc. Với các tác phẩm của François Andes, Hà Mạnh Thắng, Nguyễn Huy An, Trọng Gia Nguyễn, Nguyễn Mạnh Hùng và Nguyễn Trần Nam, Các ghi chú về Giấy cho thấy bản chất muôn hình vạn trạng của một chất liệu không hề khoa trương, đồng thời tìm hiểu các cử chỉ thường gắn liền với nó như tạo hình, vẽ, viết và tẩy xoá.

Tái hiện lại khung cảnh nông thôn Bắc Bộ đang dần biến mất, chuỗi tác phẩm Phương Bắc xa khuất (2013 - đang tiếp diễn) của Hà Mạnh Thắng vừa là một nỗ lực lưu trữ vừa là phản tư triết học về sự hữu hạn của cuộc đời. Trong tranh, Hà Mạnh Thắng lồng ghép ký ức cá nhân của mình về các kiến trúc đền chùa, cùng với bản vẽ thiết kế gốc của chúng. Lúc này, giấy với khả năng chịu lực bền bỉ, giờ đây mang trên mình sức nặng lịch sử của những ngôi đền đã biến mất. Cũng tả về miền quê Bắc Bộ, Nguyễn Huy An cô đọng đời sống vùng nông thôn qua hình ảnh chiếc ao và những ngôi thủy đình — nơi hầu hết tất cả sinh hoạt trong làng diễn ra. Khi mực dần thấm vào từng thớ giấy Dó, thứ thoạt nhìn qua như một khối tròn tĩnh lặng, vô hướng giờ đang dần hiển lộ như một biểu tượng chồng chéo của tầng tầng lớp lớp những câu chuyện: di sản và văn hoá của lối sinh hoạt cộng đồng, cùng những suy ngẫm cá nhân của anh về hiện sinh. 

Thường thấy trong thực hành của Nguyễn Mạnh Hùng chính là tính lặp — xảy ra khi nghệ sĩ liên tục đặt các chủ thể thời phong kiến bên cạnh những hình ảnh đương đại. Đây là một cách thức được Hùng sử dụng để làm nổi bật bản chất mâu thuẫn khôn cùng của vạn vật, mà đối với anh là điều hiển nhiên. Chiếc xe cứu hỏa — một phương tiện khẩn cấp, giờ đây các lốp xe của nó được thay thế bằng những con rùa bò về các phía khác nhau — chính là một mô tả hài hước về sự phối hợp không-hề-ăn-ý giữa cá nhân trong một tập thể. Thay vì ngồi kiệu, nhà vua lại vi hành bằng một phương tiện trông như một nửa chiếc xe hơi không có khả năng tự động lăn bánh, khơi gợi về cách người Việt ứng dụng độc đáo những phát minh phương Tây. Là những mảnh ghép từ sử thi hình ảnh Giao điểm thảm họa (2020) — một sự kết hợp giữa các nhân vật thần thoại dị thường cùng với hệ sinh thái đầy mê hoặc, các bức tranh và phác họa của François Andes phân tách những mạch nhánh cảm hứng nghệ thuật của ông: thần thoại Hy Lạp, văn hóa Yoruba, truyện dân gian Việt Nam, và di sản văn hóa Pháp. Tuy cùng sử dụng hình ảnh con rùa, tranh của François Andes lại thể hiện sự trân trọng của ông dành cho một hình tượng gắn bó mật thiết với niềm tin dân gian và chủ nghĩa dân tộc ở Việt Nam. 

Tác phẩm hình ảnh động theo phong cách stop-motion Khúc xạ bất thường của Nguyễn Trần Nam (2022) dẫn lối ta đi qua mê lộ hư cấu dưới đất với mười ba đường hầm. Không phải một thế giới màu nhiệm như trong Alice ở Xứ sở Thần tiên, hay khung cảnh địa ngục ghê rợn như trong Hỏa Ngục của Dante, đời sống trong từng đường hầm diễn ra chẳng khác nhiều so với thực tế hiện tại của chúng ta. Với mười đầu sách mới nhất từ Thư viện (Tuyển tập Văn học cho Người mới bắt đầu) (2007 - đang tiếp diễn), Trọng Gia Nguyễn chất vấn khái niệm thư viện như một kho lưu trữ kiến thức, cụ thể trong cách sách tích trữ và truyền bá thông tin và ý tưởng. Mang dáng vẻ của chiếc thẻ thư viện, những cuốn sách gạo lờ đi mọi thứ bậc của các chữ được chép lại — khi mà mạo từ như ‘the' và ‘a', hay giới từ như ‘on’ và ‘with' có cùng sức nặng như những từ ngữ miêu tả, ôm mang nhiều trọng trách hơn, cũng là lúc lời văn của các tác giả bị đảo lộn. 

Tiếp nối dự án cùng tên từ năm 2016 khám phá giai thoại về Quan Âm trong ngữ cảnh hiện đại, Thiên thủ Thiên nhãn lần này chắt lọc suy tư vừa hài hước, vừa đầy tính thơ của Huy An về sự thương mại hóa những biểu tượng thiêng liêng. Những hóa đơn nhàu nhĩ, nhăn nheo trở thành bằng chứng duy nhất cho giá trị của cánh tay Quan Âm — được cho là một biểu tượng cho phước lành và uy linh của vị Bồ Tát này. Đồng thời, tờ giấy hoá đơn đóng vai trò như một không gian tạm để ta suy ngẫm về niềm tin cộng đồng. 

Nghệ sĩ: 

François Andes, Hà Mạnh Thắng, Nguyễn Huy An, Trọng Gia Nguyễn, Nguyễn Mạnh Hùng và Nguyễn Trần Nam

Thời gian triển lãm: 04.10 - 27.10.2022 
Địa điểm: Galerie Quỳnh, 118 Nguyễn Văn Thủ - Đa Kao - Q1 - TP. HCM 
Giờ mở cửa: 10.00 - 19.00, Thứ Ba - Chủ Nhật 

 

2024

2023

2022

2021

2020

2019

2018

2017

2016

2015

2014

2013

2012

2011

2010

2009

2008

2007

2005