Đối Ảnh series & triển lãm "Kìa non non, nước nước, mây mây"
 

Tiếp nối triển lãm Đối Cảnh (tháng 11.2021) trong chủ đề chính của series Vòng tròn thời gian (2016- nay), cho tới triển lãm Kìa non non, nước nước, mây mây ( thuộc series Đối Ảnh) lần này, tôi phát triển về cách nhìn phong cảnh ba chiều, với nguồn cảm hứng từ hình ảnh, không gian và thời gian trong cổ thi Việt Nam và Trung Hoa.

Tôi luôn tin rằng nghệ thuật chứa đựng yếu tố phi thời gian. Đứng trước một tác phẩm, chúng có thể mang lại cho ta cảm giác ngược chiều xuyên qua từng lớp thời gian. Các tác phẩm có thể được tạo ra ngày hôm nay, nhưng ở một góc nhìn khác, chúng là phản chiếu của ngày hôm qua, của vô thức và những hình ảnh nằm sâu trong tiềm thức, hay những gì thuộc về ký ức đã mất… 

Phom dáng tác phẩm Đối Ảnh dựa trên gợi ý về sự vững chãi và trường tồn khi tôi ngắm tấm bia đá cổ thời nhà Tùy (Trung Hoa). Tôi lựa một chiếc bàn gỗ cổ đời Nguyễn trong bộ sưu tập đồ cổ của mình, điều chỉnh lại kích cỡ và tỉ lệ sao cho phù hợp, cố định từng tác phẩm bằng bệ thép và bày lên mặt bàn gỗ. Trông xa, mỗi tác phẩm tựa như từng lớp phong cảnh trùng điệp trong hình dạng tấm bia đá cổ kích cỡ lớn vậy.

Mỗi tác phẩm của series Đối Ảnh và trong Kìa non non, nước nước, mây mây là một cách nhìn khác về hình thức của tranh phong cảnh, tôi tạo ra để có thể được ngắm đa diện ở cả hai chiều mặt trước và sau. Nhờ đặc tính xuyên thấu của lụa, mặt lụa ở chiều nhìn phía bên này phản chiếu từng lớp sắc màu qua chuyển động ánh sáng từ phía bên kia. Khi từng tia sáng chiếu vào mặt trước, ta có thể ngắm tác phẩm từ phía ngược lại với hiệu ứng thay đổi và dịch chuyển của lớp ánh sáng tự nhiên phía trước.

Ánh sáng di chuyển qua những khoảng không gian trống còn sót lại trên bề mặt, và xuyên sáng trên những phần chưa được phủ kín các lớp sơn. Lúc này lụa được coi như là dạng bề mặt để neo bám cho các vật liệu khác nhau. Mặt sau của tác phẩm được nới sâu không gian cho chiều nhìn bằng cách tạo ra một lớp khoảng không gian giữa tác phẩm và nền phẳng khung mica đã được xử lý mờ. Nhờ đó, ở chiều nhìn phía sau tác phẩm dường như mờ nhoè, xóa đi cảm giác của không gian và thời gian thực tại. Chỉ còn chuyển động theo sự thay đổi của ánh sáng phía trước hoà với hiệu ứng tone màu khác nhau của từng tác phẩm.

Tôi khắc ngược mặt trong phía sau mỗi tác phẩm ( khung ) bằng một tứ thơ mình yêu thích của các thi nhân thời Đường hoặc Tống (Trung Hoa), cho đến thời Nguyễn (Việt Nam) và giai đoạn cận đại là Tản Đà, một nhà thơ mà tôi hằng yêu thích. Thời gian và niềm luyến thương chôn dấu được lưu lại qua từng câu thơ. Mỗi một tứ thơ gợi cảm hứng cho từng tác phẩm tôi sáng tác cho triển lãm lần này. 

Với cổ thi, tôi tìm thấy được ở nơi đó thế giới đẹp đẽ vẹn nguyên. Sự tuyệt đối và phi thường còn sót lại trong cuộc sống này: ánh sáng và sắc màu, không gian và thời gian, niềm dẫn hứng và cảnh sắc. Mỗi tứ thơ cổ khiến tôi có thể đắm chìm, băng qua từng lớp sương mù ẩn hiện mờ tối, để có thể nhìn thấy một nơi nào đó, tôi đã từng muốn thuộc về.

Cách nhìn trong thi ca cổ cũng có những điểm tương đồng với nghệ thuật hội họa và ngược lại. Nơi đó, tôi có thể thấy vẻ mê hoặc của màu sắc và thời gian, không gian và ánh sáng, son sắt và trường tồn.

 

Hà Mạnh Thắng
Sài Gòn, 15.12.2022