Galerie Quynh hân hạnh được trưng bày triển lãm cá nhân của nghệ sĩ Hà Mạnh Thắng Kìa non non, nước nước, mây mây tại một ngôi nhà có kiến trúc thuộc địa toạ lạc tại số 29 – 31 Tôn Thất Thiệp. Tồn tại từ thế kỷ XIX, ngôi nhà này từng là nhà khách của ngôi đền Hindu Sri Thendayuthapani nằm phía đối diện. Triển lãm này, tiếp nối triển lãm Đối Cảnh của Hà Mạnh Thắng tại phòng tranh vào năm ngoái, mang đến 16 tác phẩm thể nghiệm thể hiện niềm say mê không ngừng của anh với tính vật chất, thời gian và những cuộc tái viếng lịch sử, di sản văn hoá.
Triển lãm mượn ý thơ trong bài Hương Sơn Phong Cảnh Ca của Chu Mạnh Trinh — một danh sĩ thời nhà Nguyễn, miêu tả các sắc thái tuyệt mĩ của thiên nhiên. Cảm xúc này cũng được thể hiện xuyên suốt qua quan sát nghệ thuật của Hà Mạnh Thắng khi anh khai thác tính đa nghĩa, sự biến đổi lịch sử cách nhìn về hình thức tranh phong cảnh trong nghệ thuật cổ cho tới hiện tại.
Là một người yêu thích và am tường những di sản văn hoá lâu đời — những giá trị trường tồn cùng thời gian, Hà Mạnh Thắng luôn ấn tượng cách người xưa nhìn và thể hiện phong cảnh qua cảnh dựng, bình phong và thi ca cổ. Thường làm bằng gỗ hoặc đá, cảnh dựng là một tấm tranh phong cảnh nhỏ người xưa thường đặt trên bàn phòng khách để nhìn ngắm. Cấu trúc cảnh dựng, bình phong gồm có hai phần: phần khung và bệ đỡ được chạm khắc tỉ mỉ và giúp tranh đứng vững trên mặt phẳng, phần tranh được làm từ sơn mài thường mô tả phong cảnh với những hình ảnh ước lệ tượng trưng may mắn và phú quý như tứ quý (cúc, trúc, tùng, mai), bát bửu (lá đề, tù và, tàn lọng, cờ, hoa sen, nậm nước cam lộ, cá và dây kết nút), hay tam sơn. Phong cảnh trong cảnh dựng, bình phong thường giản lược về mặt chi tiết, không tuân theo quy luật phối cảnh và vì thế các chủ thể đồng hiện, hoặc đồng ẩn trên nền sơn then, sơn đỏ.
Như một nỗ lực cải tác lại cảnh dựng, bình phong cùng ý nghĩa thẩm mỹ và văn hoá mà chúng biểu thị, Hà Mạnh Thắng sử dụng cấu trúc của các cổ vật này cho các tác phẩm của mình với phần tranh được làm từ lụa và vải toan cùng với một loạt những loại sơn khác nhau và vàng. Thắng nhìn lụa và vải toan không chỉ là những chất liệu, mà là những bề mặt thiên biến vạn hoá. Khác với cách sử dụng truyền thống, lụa dưới thay Thắng trở thành bề mặt bền chắc cho nhiều lớp sơn phủ lên, neo đậu. Cách xử lý này, theo Giáo sư Lịch sử Nghệ thuật Châu Á Nora Taylor quan sát, đã ‘hoá lụa thành đá.’ Nhờ đặc tính xuyên thấu của lụa, bề mặt tranh sẽ thay đổi dựa trên sự chuyển động của ánh sáng khi quan sát từ mặt sau. Mỗi tấm khung mica được xử lý mờ đi trên cả hai bề mặt, làm dịu đi nhiều sự hiện diện của lụa và đặc tính trong, xuyên sáng của nó. Cách xử lý để mặt trước tác phẩm trông như đá, khi nhìn mặt sau lại thấy lấp ló ánh sáng, cũng theo Nora Taylor, khiến người ta phải nhìn nhận lại bản chất kép của chất liệu này:
Làm thế nào lụa có thể vừa trong suốt vừa mờ ảo? Vừa nhẹ như lông vũ, vừa trông nặng như đá? Bản chất kép của vũ trụ được bộc lộ như hai thế đối lập âm và dương. Tương đồng với Cung Thạch[1], tranh của Thắng mang đến cho chúng ta một cách khác để chiêm ngưỡng thế giới ở dạng vi mô.
Từng bức “cảnh dựng” của Hà Mạnh Thắng gợi lên phong cảnh lấy cảm hứng từ những tứ thơ kinh điển thời Đường, thời Tống ở Trung Quốc, thời Nguyễn ở Việt Nam, và Tản Đà — nhà thơ giai đoạn cận đại mà anh rất mực yêu thích. Cách nhìn không gian ước lệ trong cổ thi, cảnh dựng và bình phong là nguồn cảm hứng để Hà Mạnh Thắng tạo nên không gian phong cảnh trừu tượng trong loạt tác phẩm Đối Ảnh này.
Các tác phẩm nằm trong loạt Đối Ảnh, mang dáng vóc của điêu khắc và hàm chứa ý nghĩa như một hiện vật lịch sử. Khi đặt trên những chiếc bàn gỗ mô phỏng theo kiểu bàn truyền thống thời nhà Nguyễn, chúng biến không gian căn nhà cổ đường Tôn Thất Thiệp thành nơi đối thoại của di sản và nghệ thuật. Kìa non non, nước nước, mây mây nằm trong loạt tác phẩm Vòng tròn Thời gian (2016 — đang tiếp diễn) của anh, thể hiện sự gắn bó của Thắng trong việc khám phá sự trường tồn và tính phi thời gian trong nghệ thuật. Đó là nơi một tác phẩm có khả năng phản chiếu quá khứ, khơi gợi tâm trí và tiềm thức hoặc những ký ức đã tan biến.
[1] Cung Thạch hay là Gongshi, là những phiến đá có hình dáng giống như phong cảnh tự nhiên. Thường được các học giả Trung Hoa xưa trân trọng, loại đá này còn có tên khác là Scholar’s Rock (dịch nghĩa: Đá học giả).
Địa chỉ: Tầng 1, #29 - 31 Tôn Thất Thiệp, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh
Giờ mở cửa: 10g — 19g, từ thứ ba đến thứ bảy