HAI SỰ MÂU THUẪN LẠ LÙNG TẠO NÊN HỘI HOẠ CỦA HÀ MẠNH THẮNG*

Trong bài viết “Các đại tự sự, Các nguyên tắc phê phán” (1), Arthur C. Danto có kể một câu chuyện về một hoạ sĩ đồng thời là một vị tu sĩ truyền giáo người Ý thời Phục Hưng tên là Castiglione. Ông này, khi sang Trung Hoa đã tìm cách giới thiệu một trong những thành quả lớn lao nhất của nghệ thuật hội hoạ Phục Hưng là phép viễn cận, với các hoạ sư Trung Hoa nhà Thanh (Qing). Tuy nhiên, các hoạ sư Trung Hoa đã từ khước sử dụng phát minh này. Sự từ khước này của các hoạ sư Trung Hoa, theo Danto, không phải bởi lý do phép viễn cận quá khó với họ, mà bởi, trong vai trò một cách nhìn thế giới, phép viễn cận của hội hoạ phương Tây tuyệt đối không giúp gì cho các hoạ sư Trung Hoa trong việc nắm bắt cái thế giới của họ, tức một thế giới mà ở đó cái tinh thần không là đối bản của cái vật chất, cái bên trongkhông là đối bản của cái bên ngoài, cái khách thế không là đối bản của cái chủ thể. Phép viễn cận của phương Tây- tức điều bắt nguồn từ quan niệm con người là chủ thế giới, theo nghĩa thế giới luôn hiện ra thông qua sự cắt đặt của đôi mắt người nhìn, - đã không thể nào hoà hợp với cái thế giới mà tâm và cảnh là một không hai (“Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” (2)-Nguyễn Du) của phương Đông.

Chính từ góc nhìn này, tôi muốn bàn về nghệ thuật của Hà Mạnh Thắng. Tôi muốn nhìn nhận nghệ thuật của Hà Mạnh Thắng như một chọn lựa có ý thức của anh trong việc trình bày thế giới của anh. Sự vẽ của Thắng không phải là một hành vi, hoặc là tô điểm thế giới, hoặc là tái hiện thế giới. Trái lại, với Hà Mạnh Thắng, vẽ chính là cắt nghĩa thế giới, và trong sự cắt nghĩa của anh, thế giới đã hiện ra không Đông, không Tây, mà như một tiến-trình, ở đó, cả Đông lẫnTây, theo nghĩa hai thế giới quan khác biệt đã trở nên vừa là chất liệu, vừa là kết quả của nhau, vừa là động lực, vừa là mục tiêu của nhau, vừa là cấu trúc, vừa là hình thái của nhau.

MÂU THUẪN THỨ NHẤT; GIỮA PHÉP VIỄN CẬN PHƯƠNG TÂY VÀ THẾ GIỚIQUAN TÂM LINH PHƯƠNG ĐÔNG

Trong statement về tác phẩm của mình, Thắng đã rất ý thức về việc này. Anh viết (Đoạn viết này hay và rõ ràng đến mức tôi rất muốn trích dẫn cả đoạn viết dài của anh. Các đoạn in đậm là do tôi muốn lưu ý):

“…Trong qúa trình làm thay đổi cấu trúc của cảnhvật trong tranh , một cách tình cờ mà tôi có được các bản vẽ kiến trúc củamột số ngôi đình làng Bắc Bộ . Khi quan sát các bản vẽ , nếu như chỉ nhìn ngôi đình đó một cách độc lập trong không gian tôi thấy chúng như được mở rộng hơn về mặt không gian và yếu tố phi thời gian . Điều này quan trọng bởi vì nó khiến tôi có một cách nhìn khác hơn giữa một công trình đang tồn tại và một diện mạo độc lập trên bản vẽ. Khi đó ta sẽ không còn phụ thuộc nhiềuvào các hình ảnh hiện thực của chúng , mà những suy nghĩ sẽ được mở rộng và tự do hơn . Các thông số trên từng bản vẽ lúc này không còn quan trọng , tôichỉ chú tâm quan sát chúng dưới những góc độ thay đổi về mặt không gian và cấutrúc. Dựa trên nền những cấu trúc này cho phép tôi tự do phát triển những cấu trúc mới hơn và làm sao tái tạo cho chúng có một lớp không gian mới dựa trên nền không gian cũ . Khi đó, việc tái cấu trúc lại từ trên một bản vẽ sẽ cho phong cảnh có một dạng kết cấu mới và tự do ở một mức độ cao hơn. Khi đó bức tranh giống như nằm trong một cấu trúc hình học của một công trình đang trong qúa trình phục dựng tựa như một bản vẽ phối cảnh. Không gian lúc này trông mới và đa chiều hơn để cho cá nhân có thể tự do vào ngóc ngách của các chi tiết . Trên nền cấu trúc mới này , các nét vẽ được tôi nối lại với nhau trong các định dạng hình học. Khi đó phong cảnh dường như được nhìn xuyên thấu. Nó trở nên bí ẩn và khó đoán biết …”(3)

Như ta thấy, thay vì tìm cách “mô phỏng” lại các đình chùa miếu mạo, hoặc là theo cách tả thực, hoặc là theo cách trừu tượng hoá, Hà Mạnh Thắng lại tìm cách “thay đổi cấu trúc cảnh vật” ,để qua đó tìm cách “mở rộng hơn về mặt không gian và (đưa vào) các yếu tố phi thời gian” . Một mặt, hoạ sĩ không tìm cách “phụ thuộc vào các hình ảnh hiện thực”,một mặt nghệ sĩ vẫn “dựa trên nền không gian cũ” để tạo nên một hình ảnh “trúc hình học của một công trình đang trong qúa trình phục dựng tựa như một bản vẽ phối cảnh .  Khônggian lúc này trông mới và đa chiều hơn để cho cá nhân có thể tự do vào ngóc ngách của các chi tiết…”

Có một chi tiết cần lưu ý ở đây. Nếu như  với các hoạ sĩ Việt Nam của thế hệ trước thế hệ của Hà mạnh Thắng, tức các hoạ sĩ thời đổi mới (khoảng giữa đến cuối thập kỷ 90s của thế kỉ trước) - việc tái hiện th ế giới khách quan luôn đồng nghĩa với việcphá bỏ tính chính xác theo  phép viễn cậnphương Tây nhờ vào thao tác, hoặc là xoá nhoà mọi yếu tố hiện thực để không gian được trình bày trở nên mơ hồ (Ở trường hợp hoạ sĩ Hồng Việt Dũng), hoặc là hai chiều hoá (phẳng hoá) không gian sâu ba chiều (ở trường hợp hoạ sĩ Đặng Xuân Hoà) nhằm mục đích trình bày ra thế giới khách quan kiểu phương Đông, phi khoa học và đậm chất tâm linh, -Hà Mạnh Thắng lại tìm cách kết hợp  tính chính xác kiểu phối cảnh không gianphương Tây với sự mơ hồ, nhoà hoá giữa tâm và cảnh của phương Đông.

Thắng đặc biệt say mê các phác thảo kiến trúc của kiến trúc sư Italia, Aldo Rossi, người được  gọi là “kiến trúc sư của kiến trúc đô thị” và được vinh danh bởi đã  hiểu rằng “chân lý của cái đẹp không nằm trong vật thể tự thân mà ẩn giấu trong chính quá trình chuyển hoá của vật thể” (4), người mà ngôn ngữ kiến trúc “trú ngụ nơi sự biến hình (transfiguratrion) của các ảo giác chồng lấp” (5). Với tôi, cả hai câu“Chân lý của cái đẹp không nằm trong vật thể tự thân, mà ẩn giấu trong chính quá trình chuyển hoá của vât thể”, và “ngôn ngữ…trú ngụ nơi sự biến hình của các ảogiác chồng lấp” – đều có thể được dùng để mô tả chính xác về các bức tranh của Hà Mạnh Thắng.

Thế nhưng, điểm thú vị ở đây không chỉ là về sự tương đồng trong cách mô tả về kiến trúc của Aldo Rossi và hội hoạ của Hà MạnhThắng. Điểm thú vị nằm ở chính việc hội hoạ của Thắng đã được tạo nên phần nào từ cảm hứng anh có qua các bức vẽ phác thảo kiến trúc của Aldo Rossi. Ta cần nhớ,chủ thể của các bức vẽ này là một kiến trúc sư, một demiurge thời hiện đại mà hành vi vẽ đồng thời chính là hành vi quy hoạch thế giới, hành vi chinh phục tự nhiên, hành vi trình bày thế giới từ điểm nhìn của chủ thể nhìn. Một bản vẽ kiến trúc ở không bao giờ nhằm mục đích tạo ra cái đẹp kiểu Kant, tức từ tính mục đích không có mục đích, từ sự bất vị lợi, từ khoảng cách phê phán. Trái lại, một bản vẽ kiến trúc luôn là một dạng sơ đồ quy hoạch, đưa ra các phương án phá bỏ, sửa chữa, làm lại thế giới; bắt đầu từ đây, thiên nhiên sẽ bị thay hình đổi dạng để phục vụ cho sự tiện nghi của con người.

Trong các tác phẩm của Hà Mạnh Thắng, mọi cấu trúc hình thể đều được đưa vào các quy hoạch về viễn cận chặt chẽ với điểm nhìn luôn là điểm nhìn của người vẽ- tức điều kết thúc tại một đường chân trời giả định.Vì lí do này, các khối hình trong các tác phẩm của Thắng luôn như thể bị quy hoạch nghiêm ngặt, bị đưa vào một trật tự chủ quan, bị phạm trù hoá gắt gao dưới các đường kẻ chạy hút xa vào chân trời. Tuy nhiên, điểm thú vị ở đây cũng là việc bản thân các hình thể này- được tạo nên bằng phương pháp vẽ theo từng lớp để mầu lẫn vào nhau, tạo nên hiệu quả sau cuối mờ nhoà giữa nền tranh và mẫu vật(patterns)- cũng lại như đang tìm cách thoát khỏi các đường nét quy hoạch phân khu chặt chẽ theo phép viễn cận Phục Hưng. Chính ở nơi đây, Hà Mạnh Thắng đã tạo nên mối mâu thuẫn kỳ lạ thứ nhất trong hội hoạ của mình; mâu thuẫn giữa sự chính xác về mặt khoa học nơi phép viễn cận của hội hoạ phương Tây, và không gian tâm linh mơ hồ kiểu phương Đông.


MÂU THUẪN THỨ HAI; GIỮA PHƯƠNG PHÁP TRÌNH HIỆNMỘT ĐIỀU SẼ XẢY RA TRONG TƯƠNG LAI ĐỂ TRÌNH HIỆN VỀ ĐIỀU ĐÃ XẢY RA TRONG QUÁ KHỨ

Tuy nhiên, điều Hà Mạnh Thắng lấy ra từ các bức phác thảo kiến trúc của Aldo Rossi không phải chỉ là các cấu trúc dựa trên phép viễn cận chặt chẽ. Điều tạo cảm hứng cho Thắng chính là tiến trình một bản vẽ phác thảo kiến trúc được tạo hình, từ ý đồ ban đầu, sửa đi, phác lại, tẩy xoá, phục dựng. Điều mà một phác thảo kiến trúc cho thấy không phải là một hình ảnh cuối kết, tĩnh tại, mà là một quá trình của tư duy và ý tưởng, dự phóng của nhàkiến trúc.- về một cấu trúcđược anh/chị ta tưởng tượng ra, và cho tới thời điểm bản vẽ hoàn thành, cấu trúc ấy chưa tồn tại.  

Một bản vẽ phác thảo kiến trúc không bao giờ là một bản vẽ tả thực về một điều gì đã có. Chúng là các dự phóng, các ý tưởng về điều gì Sẽ có-thậm chí đôi khi là điều gì đó không tưởng.  Vì lý do này, cấu trúc các đường nét màu sắc của chúng luôn đặt cơ sở trên sự do dự, tẩy xoá, mở ngỏ, nhiều hơn là sự khẳng quyết, xác định, và đóng kết. Khi xem một bản vẽ phác thảo kiến trúc, điều ta thấy ra không chỉ là ý tưởng của kiến trúc sư vềmột cấu trúc nào đó. Hơn thế, điều một bản vẽ phác thảo kiến trúc thể hiện ra còn là một tiến trình mà từ đó ý tưởng ấy thành hình

Theo tôi, đây chính là là nguồn cơn cho sự hứng thú của Hà mạnh Thắng với các bản vẽphác thảo kiến trúc, bởi trong hội hoạ của mình, điều mà Thắng muốn ghi lại cũng chính là “tiến trình”. Các ngôi tháp cổ từ di sản Angkor Wat vĩ đại hay các ngôi đình làng nằm rải rác ở vùng nông thôn Bắc Bộ Việt Nam hay những bộ trang phục cũ được các vua chúa sử dụng thời Lê - Trịnh vào giai đoạn thế kỉ 17 hiện lên trong tranh của Hà mạnh Thắng không như những đồ vật, phong cảnh, hình ảnh tĩnh. Trái lại, tất cả chúng đều như đang trong một cuộc chuyển động miên viễn,từ lịch sử xa xăm nay bàng bạc hiện về. Điều chúng ta thấy  ở đây không chỉ là vẻ đẹp, hay vẻ thực của cácvật thể lịch sử đó. Hơn cả thế, qua “sự chuyển động” của chúng,-được tạo nên từ phương pháp vẽ theo từng lớp cẩn trọng, từ cấu trúc các đường nét màu sắc đặt cơ sở trên sự do dự, tẩy xoá, mở ngỏ, từ cảm giác tất cả như đang được quy hoạch, được tưởng tượng ra chứ chưa hề có thực SẴN, - những gì ta thấy chính là “mối liên hệ của các vật thể đó- từ những yếu tố về mặt tự nhiên cho đến xã hội , kí ức và lịch sử…”; chính là “nhiều thế kỉ với bao biến động…”; chính là “hành trình ngược thời gian”.  Thậm chí trong cái “hành trình ngược thời gian” này, đến cả màu sắc mà Thắng sử dụng cũng đã hết là sơn dầu, acrylic, -mà nay đã “trở lại”  “bùn đất , tro than ,hơi nước , củi khô vàng , bạc , màu son của sơn mài cổ được ẩn trong hình hài mang dáng vẻ cũ kĩ” (6)

Chính tại nơi đây, Hà mạnh Thắng đã tạo ra mâu thuẫn thứ hai cho hội hoạ của mình: mâu thuẫn của việc sử dụng phương pháp trình hiện một điều SẼ xẩy ra trong tương lai để mô tả về những gì ĐÃ xảy ra trong quá khứ. KẾT LUẬN:

Trở lại câu chuyện ở đầu bài viết về vị hoạ sĩ- cha truyền giáo Castiglione, người mang theo phép viễn cận để giới thiệu với các hoạ sư đời Thanh của TrungHoa, và về việc các hoạ sư đời Thanh đã từ khước sử dụng phép viễn cận đó bởi theo họ nó không kể được về thế giới quan tâm vật nhất thể của phương Đông. Sau nhiều thế kỉ, rõ ràng là với Hà Mạnh Thắng, một nghệ sĩ Việt Nam, từ phương Đông, chính phép viễn cận đó- trong vai trò một kĩ thuật thuộc kiến trúc, đãgiúp anh tạo nên lõi cốt cho hội hoạ của mình; một thứ hội hoạ không Đông,không Tây, không Ta, không Họ, không quá khứ không tương lai. Một thứ hội hoạ, bằng lõi cốt chiết trung của nó cho thấy một thế giới của thời hiện tại, nơi mọi ranh giới từ địa lý, ý tưởng, hay nguyên tắc đều đã bị xoá nhoà, tức một thế giới mà ở đó phép viễn cận  không phải là công cụ để con người quy hoạch thế giới khả thị, mà chỉ là một trong những phươngpháp giúp họ trình bày ra những gì tưởng như bất khả thi.

Nguyễn Như Huy
Nhà phê bình nghệthuật, giám tuyển

Lưu ý: Bản quyền bài viết và hình ảnh thuộc Hà Mạnh Thắng và Gallery Thavibu. Không đăng lại hay trích dẫn ở bất cứ đâu và vì bất kì lý do gì nếu không được sự cho phép của tác giả và người giữ bản quyền

Chú thích:

1. Arthur C. Danto, “Các Đại Tự Sự, Các Nguyên Tắc Phê Phán” ( The Master Narratives,The Critical Principles) “ Sau Khi NghệThuật Tận Kiệt, Nghệ Thuật Đương Đại và Sự Úa Tàn của Lịch Sử” (After TheEnd Of Art, Contemporary Art and The Pale of History”, từ trang 41đến trang 57,Ban tu thư đại học Princeton xuất bản, Princeton, New Jersey, 1997
2. Nguyễn Du, “Truyện Kiều”  (http://www.informatik.uni-leipzig.de/~duc/sach/kieu/)
3. Trích trong bản mô tả tác phẩm của hoạsĩ.
4,5. Arduino Cantàfora, “ Vài thứ thâm sâu” ( A Few ProfoundThings), trong “Aldo Rossi, Cuộc Đời vàCông Việc Của Một Kiến Trúc Sư” (Aldo Rossi, The Life and Works of anArchitect), do Alberto Ferlenga biên tập, từ tr.4 đến trang 7, Koeneman xuất bản 1999,
6. Trích trong bản mô tả tác phẩm của hoạ sĩ 

[ Bản dịch bài viết Catalogue triển lãm của Hà mạnh Thắng tại Thavibu Gallery, Bangkok ]