Đối Cảnh (2021- nay)
Thuộc series “Vòng tròn thời gian” (2017-nay), tôi phát triển “Đối Cảnh” (2021-nay) dựa trên nền tảng của hai triển lãm Ellipse (2017-2018) và “Phong cảnh|Tâm cảnh” (2018-2019) trước đó. Từ những quan sát của tôi và hình ảnh gợi ý từ các cặp câu đối cổ, tôi vẽ sự thay đổi và chuyển biến của khoảnh khắc chuyển giao bốn mùa trong năm. Loạt tranh trừu tượng này định nghĩa lại cách quan sát, ngắm nhìn giữa cảnh trong tác phẩm và cảnh ngoài đời thực như thế nào. Đâu là bên trong và đâu là bên ngoài, người và cảnh.
Có 2 dạng quan sát ở “Đối Cảnh”: nỗi lòng, tâm trạng, tâm thế của đối tượng quan sát và cảnh cũng quan sát lại, đối thoại lại. Cảnh là phong cảnh, cảnh vật cụ thể hoặc cảnh trong tưởng tượng, có thể là con người, là tâm trạng, xúc cảm hoặc nơi chốn trong tâm tưởng. Hai vế đối nhau tạo thành cặp (tương đồng), hoặc đối nhau theo chiều vật lý, trong cùng một lớp không gian, bối cảnh hoặc ngữ cảnh cụ thể.
Mỗi bức tranh trong “Đối Cảnh” bao gồm hai phần ghép lại với nhau: nửa trên là lụa và nửa dưới là vải canvas. Ở phía nửa trên mỗi tác phẩm, tôi giải quyết chúng với tinh thần bức tranh thủy mặc cổ bằng cách tạo ra sự loang, mờ, nhòe, độ rung của nét trên bề mặt lụa. Thay vì vẽ mực nho và màu tự nhiên trên lụa, tôi dùng phương pháp vẽ và chất liệu hiện đại. Chất liệu chính là acrylic, sơn dầu và sơn mài pha loãng, trộn lẫn màu glitter tạo sự óng ánh và hiệu ứng rung cảm. Những phần còn lại, tôi để sót và không vẽ chúng để có thể nhìn xuyên thấu lụa mỏng. Trên mỗi lớp màu, không gian chồng lớp xa gần, như sự trường tồn của thời gian qua từng lớp cảnh dầy mỏng khác nhau. Khi ánh sáng chiếu xuyên qua, mỗi mảng màu đổ bóng xuống nền phía dưới, hình thành lớp cảnh mới. Ở lớp cảnh thứ hai này, tác phẩm dường như bí ẩn hơn giữa thực và ảo, đâu là cảnh trong tranh và đâu là lớp cảnh mới trên không gian nền. Biên độ và ranh giới tác phẩm được mở rộng ra ngoài phạm vi khung tranh nhờ tính xuyên thấu của lụa. Cảnh chồng cảnh, cảnh dưới cảnh, lẫn vào không gian. Nhờ đó, ta khó phân định không gian và ranh giới trong tranh: ta ngắm hình hay ta ngắm bóng, đâu là trước là sau, và đâu là hiện tại là quá khứ.
Ở phía nửa dưới mỗi tác phẩm, là sự khởi phát của hình ảnh gốc đào trên nền vải canvas. Cấu trúc mạnh mẽ và chắc chắn, đối lập hoàn toàn với sự bay bổng và mơ hồ của nửa trên bức tranh. Gốc hoa đào bung nở từ đất, như nước chảy hoa trôi vụt lên trên mặt đá… Hình ảnh này tôi lấy cảm hứng từ các cặp câu đối trong bộ sưu tập cổ vật của tôi.
Cùng trên một bức tranh, mà ở đó có hai hiệu ứng khác nhau trên hai nền vật liệu, tạo ra hai trạng thái khác biệt: vững chãi và bay bổng, mạnh mẽ và thơ mộng, trường tồn và phai lãng. Cảnh đối Cảnh ngay từ trong tranh, tư thế đối tâm thế trong một không gian. Thực và ảo cùng bổ sung cho nhau và cùng tan biến trên một mặt phẳng. Thực tại và quên lãng cùng xuất hiện trong một không gian, trôi đi trong cùng một thời gian. Với “Đối Cảnh”: phong cảnh và tâm cảnh cùng hiện lên, cùng mất đi, tan vào nhau trong hành trình sáng tạo của tôi ở loạt tranh này. Để cho bản thân nhận ra chữ Hòa (hòa hợp, hòa tan, hài hòa…) và thấy mình rõ hơn trước cảnh vật.
Hà Nội, tháng 07 năm 2021
Hà Mạnh Thắng