Hà Mạnh Thắng

Download CV here
Hà Mạnh Thắng's CV - [email protected]


Trong giai đoạn từ 2004 đến 2015, Hà Mạnh Thắng từng được biết đến với những bức tranh sơn dầu đầy màu sắc, với sự kết hợp của quá khứ qua các hình ảnh di sản phong phú của Việt Nam và những hình ảnh thời trang về văn hóa tiêu dùng. Kết nối hiện đại và truyền thống, những bức tranh châm biếm của Hà Mạnh Thắng nghiên cứu văn hóa và lịch sử xã hội Việt Nam trong bối cảnh đất nước đang có những thay đổi mạnh mẽ kể từ sau thời kỳ Đổi mới.

Từ series “Vòng tròn thời gian” (2016- nay), Hà Mạnh Thắng chuyển dần sang lối vẽ trừu tượng, với nhiều khám phá về hình ảnh, màu sắc, đa tầng ý nghĩa qua các đồ vật trong bộ sưu tập cổ vật của ông. Các tứ thơ về thiên nhiên trong thi ca cổ của Việt Nam và Trung Hoa, sự quan sát những thay đổi của cảnh, sắc trong phong cảnh và tâm cảnh đồng thời là nguồn cảm hứng của ông trong những tác phẩm 5 năm trở lại đây.

Sinh năm 1980 tại tỉnh Thái Nguyên, ông là nghệ sĩ Việt Nam duy nhất được xuất hiện trên ấn phẩm ‘Painting Today’ (2009) của nhà xuất bản Phaidon cùng với các nghệ sĩ nổi tiếng như Gerhard Richter, Neo Rauch và Peter Doig. Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Hà Nội năm 2004, Hà Mạnh Thắng đã tổ chức một số triển lãm quốc tế và khu vực đáng chú ý như: Instrument of Meditation bao gồm nhiều tác phẩm nghệ thuật trong bộ sưu tập của Zoltán Bodnár tại Cung điện Reök, Budapest, Hungary năm 2011; Kết nối: Kunstzene Việt Nam tại phòng trưng bày ifa, Berlin và Stuttgart, Đức năm 2009; The rain and the small stream do chương trình Ernst & Young’s Asean Art Outreach, Singapore tổ chức năm 2008; Hậu Đổi Mới: Nghệ thuật Việt Nam sau 1990 do Bảo tàng Nghệ thuật Singapore tổ chức năm 2008; và Chia sẻ cảm hứng - Triển lãm nghệ thuật Á Châu do bảo tàng Nghệ thuật quốc gia Trung Quốc tổ chức năm 2019.

Hà Mạnh Thắng hiện đang sống và làm việc tại Hà Nội.

[Lời giới thiệu của Quỳnh Phạm, Galerie Quynh, thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam ]

​"Nghệ thuật đối với tôi như là một cách để định nghĩa lại cuộc sống theo cách riêng của nó. Nó giống như một vòng tròn khép kín của thời gian, lịch sử và kí ức.

Tôi quan tâm đến tính đối thoại và ý nghĩa được gắn với những hình ảnh từ chính truyền thống và văn hoá đem lại.”