Bài viết cho triển lãm cá nhân Ellipses, VCCC, tháng 12 năm 2018


Bắt đầu với những tác phẩm tiếp theo của series Vòng tròn thời gian cho triển lãm tại VCCA lần này, tôi xin phép được chia sẻ về ảnh hưởng và nguồn cảm hứng từ hình ảnh và thiên nhiên trong thi ca cổ ở loạt tranh gần đây của tôi với 4 câu thơ của bốn nhà thơ lớn thời Đường của Trung Hoa viết mà tôi yêu thích :



Sàng tiền minh nguyệt quang

Nghi thị địa thượng sương

Đầu giường ánh trăng rọi

Ngỡ mặt đất phủ sương

( Tĩnh dạ tứ /
Lý Bạch / Nam Trân dịch )



Ngọc lộ điêu thương phong thụ lâm,

Vu sơn, Vu giáp khí tiêu sâm.

Giang gian ba lãng kiêm thiên dũng

Tái thượng phong vân tiếp địa âm.

Lác đác rừng phong hạt móc sa,

Ngàn non hiu hắt, khí thu loà.

Lưng trời sóng rợn lòng sông thẳm,

Mặt đất mây đùn cửa ải xa

( Thu hứng /
Đỗ Phủ / Nguyễn Công Trứ dịch )



Nhật mộ hương quan hà xứ thị

Yên ba giang thượng sử nhân sầu.

Quê hương khuất bóng hoàng hôn,

Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai

( Hoàng Hạc lâu /
Thôi Hiệu / Tản Đà dịch )



Đông thuyền tây phảng tiễu vô ngôn

Duy kiến giang tâm thu nguyệt bạch

Thuyền mấy lá đông tây lặng ngắt

Một vầng trăng trong vắt lòng sông

( Tì bà hành /
Bạch Cư Dị / Phan Huy Vịnh dịch )



Bốn đoạn thơ viết về thiên nhiên ở trên trong bốn khung cảnh và bối cảnh khác nhau, tôi tìm thấy niềm cảm hứng và mối liên hệ trong cổ thi trong trong những bức tranh mà tôi đang thực hiện ở series Vòng tròn thời gian đã thực hiện gần đây. Tôi thấy vẻ đẹp của không gian / ánh sáng / hình ảnh / thời gian trong cổ thi rất trực tiếp, chúng hiện ra thật nhanh, đột ngột và mang tính khái quát cao. Câu thơ tuy ngắn, nhưng ý thơ rộng lớn và bao trùm, chúng mở ra một trường độ dài cả về không gian lẫn thời gian. Mọi hình ảnh trải đều ra trước mắt hay thu hẹp lại rất nhanh, lạc chân vào trong cảnh, ta không cần góc quan sát chính hay phụ, mắt ta trải ra nhìn bao quát toàn bộ cảnh vật, mắt đọng vào điểm nhìn nào, trọng tâm của cảnh nằm vào điểm đó. Ở thi ca chính phụ trong không gian bình đẳng như nhau, dùng ý để nói về không gian, dùng cảnh vật để viết ra tâm trạng, dùng ánh sáng để nói lên sự vô tận và dùng thiên nhiên hùng tráng để nhận ra được mỗi cá nhân nhỏ nhoi, cô đơn ẩn sâu trong đó .

Cảnh vật mờ tỏ, ẩn hiện lúc này là nằm ở cảm giác mà ta thả lòng mình và dạo chơi trong đó, nó như tầng tầng lớp lớp của thời gian mà ta có thể đi xuyên qua đó, qua từng lớp bụi mờ bao phủ, tầng lớp tàn tro của kí ức. Khung cảnh như hiển hiện đột ngột ngay trước mắt ta, nhưng cũng vụt qua trong những vô vọng tìm kiếm. Hình ảnh trong thi ca có lẽ là như vậy, tốc độ nó nhanh tới não bộ người đọc tựa như ánh chớp vậy..

Thiên nhiên, nơi mỗi thi nhân đắm mình và tìm thấy sự tự do trong đó, có một mặt đất phủ sương bàng bạc / cảm xúc dâng trào trong một đêm trăng. Nhà thơ họ Lý viết những câu thơ này là lúc ông khoảng chừng 25 tuổi, dưới triều đại vua Đường Huyền Tông ( 685-762 ) . Kể từ khi rời quê hương Tứ Xuyên, là lúc đó ông đi xa quê mãi và không bao giờ có thể hồi cố được . Mỗi khi đọc lại bài Tĩnh dạ tư, trong đầu tôi luôn ám ảnh bởi hình ảnh ánh trăng bao phủ trong một đêm thanh vắng, với lớp sương bàng bạc kia phủ mờ kia, để thấy nhà thơ nhận ra mình đã cô đơn như thế nào trong một đêm trăng với niềm u hoài khi ông chỉ có thể nhìn thấy được quê hương trong tâm tưởng ..

Đứng bất cứ điểm nào quan sát trong từng lớp cảnh ở mỗi câu thơ, ta như nhìn rõ từng chi tiết hoặc lùi xa lại một tầm nhìn đủ rộng, mỗi lớp không gian đó lại toả ra mịt mờ. Nơi đó, không gian khi trải tầm nhìn quan sát, không còn gần mà cũng chẳng xa, xa gần nằm ở ý / ý tại ngôn ngoại . Lớp sương phủ mờ kia, vẽ nên thứ ánh sáng trong một không gian thật kì ảo, cảnh vật lướt đi, không thấy bất cứ một điểm nhìn nào, tâm dừng ở điểm nào, tức là ý / cảnh / tình đọng lại nơi đó. Lối quan sát tẩu mã trong thi ca hay thư hoạ cổ của phương Đông có lẽ thú vị là như vậy.

Đỗ Phủ, một đời lang bạt, trong một chiều thu cô quạnh, tức cảnh sinh tình đã viết :

Lác đác rừng phong hạt móc sa,

Ngàn non hiu hắt, khí thu loà

Lưng trời sóng rợn lòng sông thẳm,

Mặt đất mây đùn cửa ải xa

( Thu hứng /
Đỗ Phủ / Nguyễn Công Trứ dịch )

Cá nhân tôi cho rằng đây là bài thơ viết về cảnh mùa thu hay, tráng lệ và buồn nhất thời thịnh Đường. Khí thu / trời thu / sắc thu / mặt đất trong tiết thu, bốn câu bốn sắc thái, bốn khung cảnh. Cảnh đối cảnh, trông cảnh thấy được tình, qua tình để nhận thấy Đỗ Phủ một đời lênh đênh, trong một chiều thu mỏi bước ở Tần Châu, đứng trước thiên nhiên tráng lệ đến hoang tàn, ngàn thu cuồn cuộn trôi đi, viết nên những dòng đầy cảm khái như vậy .

Cùng với một tuyệt phẩm dịch của Nguyễn Công Trứ, ta thấy được trọn vẹn khí chất và phẩm chất của người viết lẫn người dịch .

Thôi Hiệu nhìn cảnh trữ tình hơn, trong cảnh trời chiều, ngắm hoàng hôn, khói toả, sóng dợn trên mặt sông. Lòng bâng khuân tự hỏi đâu là chốn quê nhà, trong lớp sương mỏng lan trên mặt nước, trông như lớp khói. Cảnh và người hoà vào làm một, niềm hoài hương trong một buổi chiều sắp tắt. Cảnh vật và con người lúc này trong Hoàng Hạc lâu ở một không gian rộng trải rộng, xa hút tầm mắt, trời đất không gian trùng khớp một màu để cho câu kết xứng đáng là một tuyệt bút tả cảnh :

Yên ba giang thượng sử nhân sầu

Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai


Cảnh vật trong thơ Bạch Cư Dị trong một trạng thái xoay chuyển đột ngột của hình ảnh khi Tư mã quận Cửu Giang nghe tiếng tỳ bà trong đêm trên bến sông Bồn. Là lúc ca nữ ngắt tiếng đàn trong đêm, không gian ngưng lại, , trời buốt lạnh, nước lạnh băng, mọi cấu trúc hình ảnh / âm thanh / ánh sáng / thời gian và không gian trong thơ vụt đảo chiều :

Thuyền mấy lá đông tây lặng ngắt

Một vầng trăng trong vắt lòng sông


Bạch Cư Dị đã rất tài tình để miêu tả một kết thúc bản nhạc của ca nữ trong đêm trên bến Tầm Dương tựa như cái nhẹ phẩy tay trên phím đàn gói trọn mọi cảm xúc hình ảnh và cao trào âm thanh, để mở ra một chiều không gian và thời gian mới. Với 616 câu của thiên Tỳ bà hành, hai câu tuyệt bút trên tôi cho rằng là hay và kì diệu nhất của toàn bộ bài thơ về lối miêu tả cảnh.

Tôi vẫn luôn cho rằng giá trị nghệ thuật hay thi ca, đó là đều cần có thời gian, khoảng cách và không gian nhất định. Ngắm trước một bức tranh hay đọc lướt qua đôi dòng song thất, thứ còn đọng lại trong tâm trí, chút cào xé trong lòng, mọi trùng lớp không gian vụt hiện qua trước mắt tựa như chút tê tái trong lòng trong một chiều đông cũ uống cạn hơi rượu chợt thoảng qua hình bóng cũ năm nào ..

Hà Nội 25/11/2018

Hà Mạnh Thắng