Không có màu sắc sặc sỡ hay hình thù bắt mắt, các tác phẩm tranh tại triển lãm “Vòng tròn/Thời gian” gây ấn tượng với người xem qua từng tiểu tiết trên bề mặt. Mỗi đường rạn, vết nứt đều được họa sĩ Hà Mạnh Thắng chăm chút tỉ mỉ để thể hiện được vẻ đẹp tuy “khiếm khuyết” mà tinh tế của những món cổ vật qua góc nhìn trừu tượng. Triển lãm diễn ra tại Cincom Center for Contemporary Arts ( VCCA ) tới hết ngày 10/2/2019.
Hanoi Grapevine chia sẻ với bạn cuộc trao đổi với họa sĩ Hà Mạnh Thắng về niềm yêu thích cổ vật đã gợi cảm hứng cho anh như thế nào trong việc sáng tác cho triển lãm này.
Niềm yêu thích cổ vật tạo cảm hứng cho anh thế nào khi vẽ tranh?
Đầu tiên là cảm giác về vật liệu trong tranh bởi vì mỗi tiến bộ dù chỉ một chút về mặt kĩ thuật trong tranh đều cần có thời gian. Mỗi khoảng thời gian là một tiến bộ mới. Nghệ sĩ nào cũng vậy, đều cần tiến bộ theo thời gian. Đồ cổ đã gợi ý cho tôi về những bước phát triển trong công việc. Có những gợi ý về mặt kĩ thuật, về vật liệu, về màu sắc, và cũng có những gợi ý cách tạo tác một bề mặt có vẻ cũ kĩ với thời gian. Nhanh và dễ nhất vẫn là những cổ vật đã gợi ý cho tôi, bởi đã có sẵn những màu sắc, những chi tiết của thời gian ở trong đó. Tất cả giải pháp đều nằm hết trong cổ vật. Quan trọng là sử dụng chúng như thế nào.
Thời đoạn của những cổ vật này quan trọng thế nào?
Tính thời gian trong từng món đồ không quá quan trọng. Ví dụ như bức hoành phi với cặp câu đối cổ đằng kia là một trong những tấm đầu tiên gợi ý cho tôi vẽ lại những thứ bị bỏ quên. Nhìn từ những hỏng hóc và khiếm khuyết trên đó tôi đã bắt đầu loạt tranh này. Tôi nghĩ nghệ thuật hay là bởi có một phần khiếm khuyết, không hoàn thiện trong đó. Về cơ bản cuộc sống này cũng thế. Mỗi cá nhân đều có khiếm khuyết riêng.
Vậy anh cũng có cách nhìn những cổ vật ấy khác với cách được trưng ở bảo tàng?
Cái đó liên quan đến yếu tố khảo cứu của chuyên ngành sử học hay khảo cổ học. Tôi cũng có tìm hiểu nhưng không quá chú ý đến yếu tố đó. Tôi chỉ tìm sự liên hệ giữa những gợi ý của cổ vật như là thời gian, kĩ thuật, màu sắc hay vật liệu.
Tôi nghĩ đối với người Á Đông, khi phát triển nghệ thuật thường gắn với tôn giáo. Vẽ cũng giống như cách tu dưỡng bản thân. Nhìn vào bức tượng mất đầu này giống như nhìn vào cuộc đối thoại giữa tôn giáo và phần bên trong. Và điểm gặp gỡ của chúng ra sao. Một cái bệ sen bằng đá đặt ở đây như một ranh giới.
Tại sao bức tượng lại không có đầu?
Khi đó tôi chỉ mua được 2 pho tượng trong bộ Tam thế. Lúc ấy pho tượng đã mất đầu rồi. Cổ vật với thời gian vốn không bao giờ có sự hoàn thiện. Tuy mất đầu nhưng pho tượng vẫn có một tinh thần rất đẹp. Từng đường nét và chi tiết đều rất mềm mại như có một người thật đang chuyển động. Tất cả đã gợi ý cho những bức tranh của tôi.
Ở nhà tôi hay chụp những tiểu tiết và rồi nghĩ cách làm sao để triển khai bức tranh thật trừu tượng từ chúng. Một phép thử về hình ảnh hằng ngày.
Anh có phép thử nào để các chất liệu có thể hòa hợp với nhau không?
Cũng có. Thực ra tranh phát triển được là bởi nó có sẵn những rủi ro trong quá trình thực hiện. Nhưng nhiều khi có những bất ngờ riêng về mặt vật liệu. Chẳng hạn như tấm kia tôi vẽ bằng một vật liệu giống như acrylic, trên cơ sở của than. Khi chiếu đèn vào, nhìn nghiêng sẽ thấy sáng lên ánh than đá.
Ban đầu tôi mong muốn dùng không gian ánh sáng tự nhiên, không can thiệp ánh sáng nhân tạo. Cảm giác như ta đang bước vào một ngôi đền. Tuy giờ trưng bày tại không gian thiếu ánh sáng, tôi lại thấy đây là một điều rất thú vị. Tác phẩm sẽ mang những trải nghiệm khác và trừu tượng hơn. Bước vào đây giống như bước vào một ngôi nhà buổi xế chiều. Người xem chắc mới đầu sẽ bị thất vọng vì sự thiếu ánh sáng này. Tôi nghĩ đó là một cách “chơi” ánh sáng. Người ta thường không chấp nhận “chơi” với sự khiếm khuyết mà hay đưa tính cá nhân vào quá nhiều. Ở đây tôi để mọi thứ tự nhiên nhất. Tất cả mọi thứ từ ánh sáng đến tác phẩm đều bị thiếu gì đấy.
Ý tưởng về sự thiếu hoàn hảo này anh mới theo đuổi hay là một quá trình rồi?
Đó là một quá trình rồi. Trong nhà tôi có một phòng để sách vở và nhạc cụ. Tôi để một bức tranh vẽ bằng ánh sáng màu vàng ở trong phòng đó. Tôi không bán mà để nó rất lâu ở đấy. Mỗi sáng thức dậy tôi đều ngắm và nghịch với một cây cổ cầm. Căn phòng hay ở chỗ có hai ánh sáng, một từ đầu hồi và một từ hành lang. Ngắm bức tranh ở đây như một chiếc gương bằng vàng phản chiếu lại ánh sáng, cảm giác như đang nhìn vào bề mặt vàng trên những pho tượng cổ trong chùa. Buổi sáng một loại ánh vàng, buổi chiều một loại ánh vàng và ánh vàng buổi trưa đặc biệt tối. Bởi khi ấy mặt trời lên cao nhất và vào điểm ấy căn phòng lại bị tối đi. Đó là cách tôi ngắm ánh sáng và không gian.
Mấy năm trước tôi có đọc một cuốn sách khá thú vị tên là “Ca tụng bóng tối” của Junichiro Tanizaki, một tác giả người Nhật. Cuốn sách viết về cách người Nhật sử dụng ánh sáng tự nhiên, lý giải tại sao họ thích dùng nến hơn dùng đèn điện, cảm giác khi vật liệu tự nhiên tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên. Tác giả đã gợi ý cho tôi nhiều về chất liệu.
Rất nhiều người nói bức tranh như vậy sao không treo lên đàng hoàng mà lại cứ để dưới nền. Mình chỉ muốn nhìn mọi thứ trong ngôi nhà của mình như nó đang có, không muốn làm trang trọng lên. Thế nhưng cái “thứ” đó mình chỉ có thể hình dung chứ không thể gọi tên chính xác được. Mình nghĩ cuốn sách giúp mình gọi tên chính xác hơn những “thứ” ấy.
Đây là những bức ở loạt tranh đầu tiên, vật liệu sơn dầu. Nó bị bóng và quá nhạy ánh sáng, không tạo được hiệu ứng thời gian của cổ vật. Đây là điều tôi không mong muốn và phải thay đổi về vật liệu để triển khai được đúng ý hơn. Loạt tranh đầu tiên này có hai bức màu đỏ và xanh, như mùa hạ và mùa xuân. Hai màu sắc này được đặt trên banner cùng với tên triển lãm “Vòng tròn/Thời gian”. Cái tên gợi lên một giao điểm, điểm cuối cùng của một con đường. Tôi treo hai bức tranh ở đây và chiếu ánh sáng vào. Mọi người đứng đây xem sẽ thấy màu sắc tươi nhất, bừng sáng hy vọng nhất. Tất cả bức tranh còn lại của triển lãm đều là những màu tối, không cho người xem nhiều gợi ý hay chia sẻ. Có những bức tranh mang sự ích kỉ riêng của nó.
Bức tranh này trong giai đoạn tôi vẽ sơn dầu và nghịch với các nét. Trên bề mặt có một phần hình ảnh cây hoa đào từ cặp đối cổ, và các đường nét của thư pháp. Những đường nét này tôi đã quyết định rất dứt khoát và không hề có sai lầm nào. Cái này tôi học từ thư họa.
Các nét vẩy này là một thủ pháp. Thông thường người ta nghĩ nước mưa là từ trên xuống, còn tôi vẩy ngược để tạo hiệu ứng thị giác gây tò mò cho người xem. Đồng thời nó cũng thể hiện sự bứt phá, sự vứt bỏ..
Xin cảm ơn chia sẻ của anh!
( Viết và ảnh bởi ULY và Nguyễn Đức Tùng cho Hanoi Grapevine, Hà Nội, tháng 02.2019 )
Vui lòng không sao chép, đăng tải lại dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận của tác giả và Hanoi Grapevine
Họa sĩ Hà Mạnh Thắng theo đuổi vẻ đẹp từ sự “khiếm khuyết” của cổ vật