Xử thế nhược đại mộng,
Hồ vi lao kỳ sinh!*
Nghệ thuật phong cảnh của người Á Đông, trong suốt chiều dài gần 4000 năm của lịch sử, hình ảnh phong cảnh xuất hiện thuở ban đầu trong những cảnh trí sinh hoạt, trên các công cụ sinh hoạt bằng đồng thời Thương, Chu cho tới thời nhà Hán của Trung Hoa và các triều đại phong kiến sau này. Phong cảnh được khắc trên vách đá, trong
hang động, được tìm thấy trên tranh lụa cổ, các tấm bích hoạ, trong đền miếu, và cho tới thư hoạ và thi hoạ ở những giai đoạn sau đó. Điều đó cho thấy, ngoài việc ghi dấu đặc điểm về nơi chốn, cảnh sinh hoạt, thiên nhiên hùng vĩ, đất trời rộng lớn, thì đó còn là một góc nhìn khác thể hiện quan niệm nhân sinh của người xưa, gửi gắm vào đó nỗi lòng, những điều chôn dấu thầm kín khó nói ra bằng lời.
Cảnh Mộng là một tập hợp các tác phẩm mang chủ đề phong cảnh được tôi thực hiện trong khoảng năm năm trở lại đây. Tôi khảo sát về lịch sử nghệ thuật tranh phong cảnh của người Á Đông từ khi chúng xuất hiện, phát triển và biến đổi ra sao trong suốt tiến trình đó. Cá nhân tôi tập trung vào hành trình tìm kiếm một góc nhìn về nghệ thuật phong cảnh khi đặt chúng trong bối cảnh văn hoá, lịch sử.
Tôi phát triển lối quan sát về hình thức biến đổi của phong cảnh, khởi đầu từ các biểu tượng, nơi chốn dọc theo lãnh thổ của Việt Nam ở cả ba miền trong sê-ri tranh phong cảnh đầu tiên mang tên Phong cảnh Việt Nam (2010- 2014). Sau đó, đến loạt tác phẩm mang tinh thần của một tấm phong cảnh trong chủ đề Vòng tròn thời gian (2016- 2021) và hai sê-ri nhỏ hơn được tôi phát triển tiếp theo dựa trên nền chủ đề chính (Đối Cảnh và Đối Ảnh). Từ khoảng 2016, góc nhìn về phong cảnh của tôi dần vượt ra khỏi những nguồn cảm hứng ban đầu. Không còn xuất hiện nhiều những cảnh sắc, hình ảnh trang trí và cảnh vật trên các cặp câu đối cổ, mà dần nhường lối cho sự khám phá hình ảnh và không gian trong thi ca cổ. Tôi lược bỏ dần những chi tiết, dấu hiệu, đặc điểm nhận diện hay trạng thái vốn có ban đầu. Tiến trình này dẫn dắt tôi đến một hành trình trừu tượng hoá cách nhìn về phong cảnh.
Trong quá trình tìm kiếm, nhờ sở thích đọc Đường thi, tôi nhận thấy rằng, hình ảnh và không gian trong thi ca cổ Trung Hoa là một nguồn dẫn hứng giúp tôi cảm nhận rõ nét yếu tố phi thời gian. Cổ thi giúp tôi cảm nhận sự vô tận và xuyên thấu của không gian. Một vẻ đẹp của sự huyền bí và diễm lệ cuối cùng còn sót lại nhờ những khả năng chuyển tải kỳ diệu của ngôn từ và hình ảnh trong cổ thi đem lại. Những đặc điểm này rất gần với hội hoạ.
Tiến trình trừu tượng hóa một tác phẩm phong cảnh dựa trên nguồn cảm hứng một phần từ thi ca cổ giúp tôi nới rộng biên độ hình ảnh, các chiều của không gian, mở ra
sự vô tận đạt đến tính tuyệt đối và đa dạng hóa hình thức thể hiện. Giúp cho tác phẩm gần với trạng thái của sự tự do và tính tuyệt đối trong cổ thi.
Cảnh, chính là đời sống như chúng ta đang sống, xảy ra trước mắt và dần trôi qua. Nhưng cuộc đời cũng tựa như một giấc mộng dài với muôn vàn cảnh/ mộng - hư/ thực.
Cảnh xuất hiện trong mỗi khoảnh khắc, từng giờ, từng ngày trôi qua trước mắt. Cảnh diễn ra hôm nay, ngày sau lại có thể như giấc mộng. Cuộc đời mỗi người tựa như giấc mộng lớn của hôm nay, nhưng cũng có thể tìm thấy ở trong cảnh ngày sau.
Qua các tác phẩm trong triển lãm Cảnh Mộng, với niềm tin cá nhân, tôi luôn tin rằng, nghệ thuật là một cách giúp tôi kết nối giữa lịch sử, thời gian và kí ức.
Nghệ thuật, với tôi có thể giúp chúng ta xuyên qua từng lớp không gian và thời gian, cảnh vật khác nhau, để tìm thấy và soi chiếu lại chính bản thân mình. Rồi đâu đó nhận ra rằng, mình là một hạt cát mỏng manh, nhỏ nhoi giữa thiên nhiên, vũ trụ bao la rộng
lớn này.
Hà Mạnh Thắng
Hà Nội, 23/06/2023
● Trích hai câu thơ mở đầu bài thơ Xuân nhật túy khởi ngôn chí của Lý Bạch, (701 - 762), nhà thơ thời thịnh Đường, Trung Hoa.