Trong tiếng Việt, có nhiều từ về sự nghiêm túc. “Nghiêm khắc, nghiêm nghị, nghiêm túc, nghiêm trọng,” v.v..
Để nói đến một con người, hay một hoàn cảnh, mỗi từ có những mức độ riêng biệt để nói về sự nghiêm trọng, sự tự trọng, tính long trọng, và tầm quan trọng.
Mỗi chữ đều nói lên cá tính con người, công việc và cuộc sống của con người đó.
Tất cả những từ này đều có thể áp dụng với Hà Mạnh Thắng, mà lại rất đúng.
Thắng là một người nghiêm nghị. Và anh nghiêm túc trong công việc. Từ khi còn là sinh viên mỹ thuật, Hà Mạnh Thắng đã có tiếng là một nghệ sĩ nghiêm túc, với những mục tiêu và tiềm năng nghiêm nghị.
Những năm tháng sau đó đã chứng minh lòng yêu mến và mức chú tâm của anh vào sự nghiệp. Không có gì đáng ngạc nhiên khi Thắng trở thành một trong những nghệ sĩ đương đại được quí mến tại Việt Nam, và được sự chú ý của các phòng tranh, các bảo tàng trong nước, tại Á châu và nơi khác.
Sự nghiêm nghị của Thắng không cản trở những thử nghiệm. Những tác phẩm trước đây của anh gồm những mảng màu sáng, sắc bén và phản nghịch nhau khi mà anh đưa hình ảnh của văn hoá đại chúng trẻ trung vào trong tranh. Thời đó, có vẻ như Thắng quan tâm về tình hình tại Việt Nam và báo trước về một sự suy thoái xã hội. Chủ đề này là mối quan tâm của những hoạ sĩ như Nguyễn Văn Cường và Lê Hồng Thái, vào thập niên 1990 và sau đó, khi họ lên tiếng e ngại về sự xâm lăng của một nên tư bản không có giới hạn, và tạo ra những sự xáo trộn trong xã hội hậu chiến, vừa mở cửa về mặt kinh tế. Thắng trẻ hơn những nghệ sĩ này nhưng vẫn có một ánh mắt lo lắng, có khi hài hước, về thế hệ trẻ.
Gần đây, dường như Thắng đã vượt qua mối quan tâm đó, hay là đang tập trung vào những gì bị bỏ quên khi những thế hệ trẻ hướng đến tương lai một cách cẩu thả. Điều đáng chú ý là con đường dẫn Thắng đến các chủ đề của loạt tranh mới đây nhất.
Thắng rất nghiêm chỉnh về ánh sáng: khi len qua màn sương vào buổi sớm lúc anh ra đường tìm cốc cà phê, hay khi phản chiếu trên mặt hồ lúc hoàng hôn, lúc trở tối, khi anh nhìn ra khung cửa sổ.
Những bức tranh của anh đóng gói những chiêm nghiệm về biến chuyển của ánh sáng, với những lớp màu lan toả vào nhau. Nó làm ta mường tượng đến tinh thần trong những bức tranh của Mark Rothko. Nhưng trong khi những lớp ánh sáng—những ô màu pha trộn chồng chất—trong những bức tranh của Rothko là những mảng màu to vuông biểu lộ về không gian, những lớp màu của Thắng, những nét cọ, những vệt sơn, lại là biểu tượng của thời gian.
Những bức vẽ thành công nhất của anh trong những năm vừa rồi đòi hỏi người xem tìm về ý nghĩa của thời gian đã trôi đi, từng khoảnh khắc tan biến vào nhau.
Phần nào lộ rõ nét hơn so với những lớp không gian trong những bức tranh huyền diệu của Rothko, những bức tranh của Thắng không kém nỗ lực nghiêm nghị, đặc biệt là những bức có những đường nét kiến trúc bắt nguồn từ những bản đồ hoạ xưa cũ mà anh đã nghiên cứu tại nhiều vùng ở Việt Nam.
Những đường nét lu mờ của đình, chùa, các cấu trúc từ xa xưa trở nên mơ hồ, và mất thời gian tính. Nó giống những bức tranh hay tác phẩm điêu khắc của nghệ sĩ xuất chúng Hàn/Mỹ quốc Do-Ho Suh, bộc phát một nhãn quan thanh thoát về những cấu trúc đã biến mất và những nơi trú ngụ thời trẻ của ông.
Thắng cũng nghiêm túc quan tâm đến nhũng toà nhà công cộng, nhưng những bức tranh của anh không hẳn là sự tôn vinh tích cực về những cấu trúc lịch sử, mà là nỗi thương tiếc cái đã qua.
Tương tự như thế, những tác phẩm hiện tại của anh—nằm trong triển lãm này—gợi nhớ đến một thời gian cũ, nuối tiếc cái đã mất.
Trong loạt tác phẩm này, Thắng tìm đến những con chữ. Những con chữ già nua của những thế kỷ xưa, vượt thời gian, đan quyện tài tình trong những bài thơ của Lý Bạch và Đỗ Phủ. Thắng tìm thấy trong những bài thơ này những phản phất ánh sáng lu mờ, những khoảnh khắc đang trôi qua, và tâm tính lãng mạng trong hồn của con người đầy cảm xúc chỉ vì vài giây của một mùa thu đông.
Thắng mang vào tranh của mình những nét chữ trong các bài thơ đó. Anh trở lại với thời trước khi anh bị thu hút vì những nét chạm trỗ trên những bức bình phong cổ. Những con chữ anh sử dụng trong tranh không rõ nét, và chúng bị biến dạng trong những màu sắc cùng tông phía bên dưới. Chúng biến mất đi giữa những vệt cọ, nét bút, lớp sơn nền mờ ảo. Những nét cọ và mảng màu quyện lẫn gợi nhớ những bức tranh của Gerhard Richter, nhưng thật là tinh xảo và kém nét công nghệ máy móc hơn. Những tác phẩm của Thắng cũng có vẻ thuộc vào trường phái trừu tượng biểu hiện, nhưng với một tâm tính Á đông.
Người xem sẽ quyết định Thắng đang muốn mình nuối tiếc thời gian đã qua, hay chỉ suy nghĩ về chu kỳ luẩn quẩn từ bóng tối đến ánh sáng, từ ánh sáng đến bóng tối, từ sự minh bạch đến u tối, rối vòng ngược lại.
Thắng là một người nghiêm nghị, một nghệ sĩ nghiêm túc. Trong một xã hội biến chuyển chóng vánh, một thế giới lộn xộn, Thắng chắc chắn là một người hiếm hoi, suy gẫm về ánh nắng buổi sớm, về bóng hoàng hôn, và đọc những bài thơ lãng mạn mà nghiêm trọng của những thi sĩ từ ngàn xưa. Trong những bài thơ đó, và trong những tác phẩm của Thắng, sự nghiêm túc, nghiêm nghị, cái nghiêm trang, sự quả quyết và tính tự trọng đều có mặt, tuyệt đối.
Nguyễn Quý Đức