Kìa non non, nước nước, mây mây — Chân Dung Ảo Diệu của Hà Mạnh Thắng

Kìa non non, nước nước, mây mây — Chân Dung Ảo Diệu của Hà Mạnh Thắng

 

Hà Mạnh Thắng biết quyến rũ người xem vào cõi mộng của Từ Thức. Với mười sáu bức tranh phong cảnh đầy mê hoặc, anh cắm vào tim tôi nỗi nhung hoài sâu thẳm — tựa như chân dung của một người yêu dấu, giờ đã xa bay. 

Sinh ở Thái Nguyên năm 1980, Thắng thuộc thế hệ lớn lên trong thời kỳ Đổi Mới tại Việt Nam. Không mất nhiều thời gian kể từ triển lãm cá nhân đầu tiên lúc 25 tuổi, Thắng nhanh chóng trở thành một trong những nghệ sĩ hàng đầu tại Việt Nam.  Điều gì đã làm tác phẩm của một họa sĩ kiệm lời từ miền Trung du Bắc bộ này có sự cuốn hút như vậy? Theo tôi, đó không phải là yếu tố kỹ thuật, nội dung, hay chất lượng thường thấy ở Rothko, Chong-hyun, Richter, và ngay cả Mehretu, tranh của anh lại càng không giống tranh của một họa sĩ Việt Nam nào mà tôi đã biết. 

Thắng vẽ tâm trạng, trong một lần trao đổi anh nói vậy.

Giữa một thế giới bất an và luôn biến động, Thắng soi mình vào những cổ vật có tuổi đời kéo dài hàng thế kỷ, tìm hiểu bản thân qua thi ca cổ, triết học Phật giáo và thơ thiền.  Trong anh có cả sự thấp thoáng của Đường thi, của thiên nhiên quyện lẫn âm nhạc không lời. Trong loạt tác phẩm mới này anh không sử dụng những motif, biểu tượng và phác thảo.  Sự hiện hữu dường như biến mất, thay vào đó là những mảng tan chảy nhạt nhòa của thời gian lẫn không gian, trí tưởng tượng của người xem được khuếch đại không giới hạn.  Trong ánh tà dương và bóng đêm thanh lắng tại xưởng vẽ của mình, Thắng ngắm nhìn những màu sắc cuối của ngày, chỉ lúc đó anh mới cảm nhận rõ rệt về chính mình, và anh vẽ tranh như chính chân dung của anh.

Thật rất khó để chỉ nói về một tác phẩm trong loạt Kìa non non, nước nước, mây mây này, tôi có cảm giác của một chú bé lạc vào giữa kho kẹo (ai lại không bị cám dỗ bởi vị ngọt ngào, dẫu biết rằng trong đó có thể chứa nhiều cạm bẫy cay đắng?). Tác phẩm mang tên Nỗi Buồn Vĩnh Cửu mang một vẻ đẹp của nỗi sầu miên viễn, mùa xuân đã đi qua chỉ còn lại những cánh đào rơi rụng, tưởng như chừng những dấu vết còn lại của cuộc tình đắm say. Như bốn mùa thay đổi, có vẻ đẹp nào không tàn phai, có thực thể nào tồn tại mãi mãi.  Chúng ta cho cùng cũng chỉ là một vật thể nhỏ bé của tạo hóa.  Trong tác phẩm của Hà Mạnh Thắng, thơ và họa không có biên giới, cũng như bản thể và thiên nhiên, chúng ta bắt nguồn từ đây và ra đi cũng tại chốn này.

Galerie Quynh — hơn hai mươi năm qua luôn là một sân chơi lớn đầy quyến rũ tại Việt Nam, đây cũng là nơi thi tài của các nghệ sĩ đẳng cấp nhất của mỹ thuật đương đại. Trong triển lãm lần thứ 5 của họa sĩ họ Hà, Quỳnh cho biết sẽ được tổ chức ở một địa điểm mang nhiều lịch sử kỳ thú của Sài Gòn. Ngôi nhà được xây vào năm 1889 bởi dòng họ Nattukottai Chettiars và cộng đồng người Ấn Độ sinh sống tại khu phố Tôn Thất Thiệp từ cuối thế kỷ 19.  Ngôi nhà mang một phong thái an yên này, đã là một chứng nhân của lịch sử nhiều biến động.  Khi Thắng bước vào đây, anh bị cuốn hút và lạc lối bởi từng lớp không gian và thời gian tiệm tuyến chập chùng.  Anh biết, đây chính là nơi có thể phản ánh được yếu tố phi thời gian cho loạt tác phẩm Kìa non non, nước nước, mây mây của mình.

Vậy chàng họa sĩ tài hoa mà kín tiếng người Thái Nguyên sẽ mang đến sân chơi mới này những gì?

Mỗi nghệ sĩ trong những trường phái khác nhau, sự xúc động và rung cảm cộng với tài hoa là những tố chất cần để họ làm nên những kiệt tác. Hà Mạnh Thắng luôn viễn du, khi ra khỏi môi trường và vùng địa lý quen thuộc, anh tìm thấy những gì thuộc về mình giữa thiên nhiên rộng lớn, thấy sự vô nghĩa và vô thường của kiếp người, một hạt cát nhỏ bay giữa đất trời, tan biến vào trong đất đá cỏ cây.  Chính ở tại những vùng đất xa lạ này, một kết hợp hoàn hảo giữa thi ca và cảnh giới được hình thành. Trong khoảnh khắc đó, thời gian như ngừng trôi, không gian như lắng đọng lại từ bao kiếp — mối liên kết này bàng bạc trong Kìa non non, nước nước, mây mây.

Ocean Vương, một thi sĩ với lối hành văn trác tuyệt mà Thắng và tôi đều yêu thích, Vương từng tâm sự rằng anh không những tưởng anh đang làm gì, anh không viết để đóng đinh xuống kiến thức nhưng anh luôn muốn mở ra một sân khấu cho người đọc tham dự vào cuộc chơi diệu ảo của thi ca.  Vương nói chính khi bạn lạc giữa những cánh rừng già, dòng sông thăm thẳm hay đỉnh núi hoang vu, nơi đó bạn sẽ được tẩy rửa và khôi nguyên, và khi bạn có được tự do — bạn sẽ tìm thấy chính mình.  Tôi thấy cả Hà Mạnh Thắng và Vương Hải thật can đảm và giống nhau trong đặc điểm này.

Một người nữa làm tôi nghĩ đến Thắng là Peter Schjeldahl, cây viết phê bình nghệ thuật kỳ cựu của The Village Voice từ những năm 1990's (tôi thực sự nhớ ông khi viết những dòng chữ này), ông nói người ta hay nghĩ rằng thiên tài thì thường phải phức tạp, nhưng thực sự ngược lại. Chúng ta mới phức tạp vì hay bị vướng vào mâu thuẫn yêu/ghét, và lạc lối bởi vì sự thiếu tự tin.  Thiên tài sở hữu một lối vận hành càng tối giản càng hiệu quả, khi Picasso sáng tác, ông chỉ vẽ những đề tài thật đơn giản, nhưng mỗi nét cọ của ông là một tuyệt chiêu.

Với Kìa non non, nước nước, mây mây, Hà Mạnh Thắng cho người xem một cơ hội để tìm thấy mình trong đó: thật vĩ đại và cũng thật khiêm cung, êm đềm mà cuộn sóng, tráng lệ lẫn hắt hiu, giữa thiện lành vẫn thấp thoáng bóng quỷ ma, trong muôn trùng vẫn còn lắm cảnh cô đơn.  Làm thế nào để thấy mình trong tranh của Thắng? Hãy tìm một mặt hồ tĩnh lặng và soi mình như anh.

Đó quả thật cũng là một điều không kém oái ăm.

 

Brian Đoàn

Los Angeles – Hà Nội, 2022